Thanh tra đột xuất PVC

Thanh tra Chính phủ sẽ tiến hành thanh tra tại Tổng công ty Cổ phần xây dựng dầu khí Việt Nam (PVC), trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án tại doanh nghiệp này trong thời kỳ 2008-2013.
PVC thua lỗ ra sao dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận / PVC, PVV khẳng định không ảnh hưởng khi sếp cũ bị bắt

Chiều 6/10, Phó tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh đã công bố quyết định thanh tra PVC, việc chấp hành chính sách, pháp luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trọng tâm là việc đầu tư, thực hiện các dự án.

Đây là cuộc thanh tra đột xuất, không nằm trong kế hoạch thanh tra năm 2016 của Thanh tra Chính phủ, nhưng được thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Thời kỳ thanh tra từ ngày 1/1/2008 đến 31/3/2013. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, Đoàn thanh tra có thể kiểm tra làm rõ.

thanh-tra-dot-xuat-pvc
Ông Trịnh Xuân Thanh, thời còn làm Chủ tịch PVC.
Thời gian thanh tra 70 ngày làm việc thực tế tại đơn vị kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định). Đoàn thanh tra gồm 13 người, do ông Nguyễn Duy Bình, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ I, Thanh tra Chính phủ làm trưởng đoàn.

Trước đó, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo Bộ Công an khẩn trương thực hiện ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra làm rõ các vi phạm dẫn đến thua lỗ gần 3.300 tỷ đồng giai đoạn 2011-2013 tại PVC, báo cáo Tổng Bí thư và Thủ tướng.

Giai đoạn 2008-2013, thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận còn giữ các chức vụ lãnh đạo cấp cao tại doanh nghiệp này, kết luận điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cho thấy, thời điểm 2011-2013, PVC được giao làm nhà thầu dự án nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, với tổng mức đầu tư hơn 34.000 tỷ đồng. Phạm vi thực hiện hợp đồng của nhà thầu, gồm thiết kế bản vẽ thi công, mua sắm hàng hoá, thiết bị vật tư, xây lắp chạy thử, nghiệm thu, bàn giao vận hành và thu xếp vốn...

Trong dự án này, PVC đã rót khoản tiền 110 tỷ đồng, trong đó, 4 bị can vừa bị cơ quan điều tra khởi tố (Vũ Đức Thuận - nguyên Tổng giám đốc, Nguyễn Mạnh Tiến và Trương Quốc Dũng đều là Phó tổng giám đốc và Phạm Tiến Đạt - kế toán trưởng) là những người liên quan trực tiếp, có dấu hiệu về hành vi cố ý làm trái gây thiệt hại tài sản Nhà nước.

Cựu chủ tịch OceanBank Hà Văn Thắm đối mặt 3 tội danh

Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) vừa ra kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Hà Văn Thắm (44 tuổi, nguyên chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Dương - OceanBank) cùng 16 người về các tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.


Ông Thắm bị cáo buộc trong quá trình điều hành OceanBank đã chỉ đạo Ban Tổng giám đốc cho Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Trung Dung vay 500 tỷ đồng khi không đảm bảo điều kiện vay vốn, không có tài sản đảm bảo... Hậu quả, khoản tiền lớn này đã không thể thu hồi được.

Theo cơ quan điều tra, ông Thắm chỉ đạo chủ trương chi tiền ngoài lãi suất huy động với khách hàng gửi tiền tại OceanBank, gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn tới gần 990 tỷ đồng. Trong số này, ông Thắm cùng Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Sơn vì muốn huy động vốn của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nên ra chủ trương ưu ái lãi suất với khách hàng thuộc tập đoàn này, làm OceanBank bị thiệt hại gần 550 tỷ đồng.

Ông Thắm còn bị cáo buộc cùng ông Sơn vì động cơ cá nhân đã đề ra chủ trương "thu phí" của khách hàng vay vốn và khách hàng mua ngoại tệ thông qua Công ty BSC (do ông Thắm chỉ đạo điều hành) trái với quy định của nhà nước, dẫn đến thiệt hại cho OceanBank và khách hàng gần 71 tỷ đồng. Cơ quan điều tra cho rằng thực chất khoản này là thu chênh lệch giữa lãi suất thỏa thuận với lãi suất quy định trong các hợp đồng tín dụng với khách hàng vay vốn; thu chênh lệch tỷ giá giữa tỷ giá ngoại tệ bán ra do OceanBank niêm yết với tỷ giá ngoại tệ thỏa thuận với khách hàng.

Kết luận điều tra nhận định quá trình điều hành OceanBank, bằng việc lập công ty sân sau, bị can Thắm đã dùng nhiều thủ đoạn để rút tiền của ngân hàng sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, không có khả năng thu hồi...

Đây được đánh giá là vụ án gây thiệt hại đặc biệt lớn, thời gian phạm tội kéo dài từ năm 2011 đến 2014, ông Thắm là người chủ mưu, có thủ đoạn tinh vi cùng sự tiếp tay của nhiều người. Hậu quả của vụ án đã ảnh hưởng tiêu cực đến việc thực hiện chính sách tài chính - tiền tệ.

Ngoài 17 bị can trong vụ án này, với những người là giám đốc của 49 chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống OceanBank tiếp nhận chủ trương từ Hội sở về việc chi tiền ngoài lãi suất huy động cho khách hàng gửi tiền là có dấu hiệu phạm tội Cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Do thời hạn điều tra đã hết, nhiều người liên quan, nhà chức trách sẽ tiếp tục phân loại và đề xuất xử lý trong giai đoạn điều tra bổ sung.

Với khách hàng nhận các khoản tiền gửi ngoài lãi suất (không thể hiện trong sổ tiết kiệm hoặc hợp đồng tiền gửi) xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của ông Thắm và các bị can, cơ quan điều tra tiếp tục phân loại và đề nghị tách thành vụ án khác để đảm bảo khách quan, toàn diện. Trong số này có nhóm khách hàng thuộc Tập đoàn Dầu khí cùng một số tổ chức kinh tế lớn có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên OceanBank để hưởng lợi bất chính.

Với 8 khách hàng vay vốn bị xác định gây thiệt hại hơn 2.600 tỷ đồng (cả gốc, nợ lãi và tiền phạt), cơ quan điều tra tiếp tục xác minh trong giai đoạn 2 của vụ án.

Vụ án xảy ra tại OceanBank được Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng đưa vào danh sách 6 đại án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, chỉ đạo đưa ra xét xử sơ thẩm trong cuối năm 2016 và quý I/2017.

1. Ông Hà Văn Thắm bị đề nghị truy tố về 3 tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.

2. Ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên tổng giám đốc, bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

3. Bà Nguyễn Minh Thu, nguyên tổng giám đốc, bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Ông Nguyễn Văn Hoàn, nguyên phó tổng giám đốc, bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

5. Bà Lê Thị Thu Thủy, nguyên phó tổng giám đốc, bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

6. Ông Nguyễn Xuân Thắng, nguyên phó giám đốc Khối khách hàng, bị đề nghị truy tố về tội: Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

7. Ông Phạm Hoàng Giang, nguyên tổng giám đốc Công ty BSC Việt Nam, bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

8. Bà Vũ Thị Thùy Dương, nguyên giám đốc Khối Kế toán, bị đề nghị truy tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

9. Bà Nguyễn Hoài Nam, nguyên giám đốc Khối nguồn vốn, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

10. Bà Nguyễn Thị Thu Ba, nguyên giám đốc Khối ngân hàng Bán lẻ, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

11. Bà Đỗ Đại Khôi Trang, nguyên giám đốc Khối khách hàng cá nhân, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

12. Ông Nguyễn Quốc Chiến, nguyên giám đốc chi nhánh Vũng Tàu, bị đề nghị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

13. Ông Lê Tuấn Anh, nguyên giám đốc chi nhánh Thăng Long, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

14. Ông Nguyễn Minh Đạo, nguyên giám đốc chi nhánh Hà Nội, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

15. Ông Ngô Hải Nam, nguyên giám đốc chi nhánh Quảng Ninh, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

16. Ông Lê Quỳnh An, nguyên giám đốc chi nhánh Vinh, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

17. Hoàng Bích Vân, nguyên giám đốc chi nhánh TP HCM, bị đề nghị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Cổng chào hai trăm tỷ ở Quảng Ninh

Nằm trên quốc lộ 18A với vốn đầu tư 198 tỷ đồng, cổng chào tỉnh Quảng Ninh được cho là lớn nhất Việt Nam.

Cổng chào tỉnh Quảng Ninh nằm trong cụm công trình điểm dừng chân, được đầu tư xây dựng trên diện tích gần 140 ha trên quốc lộ 18A, xã Bình Dương, thị xã Đông Triều, tiếp giáp tỉnh Hải Dương.
Khởi công ngày 28/2/2015, trụ chính đầu tiên của cổng chào lắp ráp ngày 5/5/2016. Theo kế hoạch, thời gian thi công trong 6 tháng và toàn dự án là 2 năm.


Vốn đầu tư cổng chào lên đến 198 tỷ đồng, trong tổng số 368 tỷ đồng cho toàn bộ dự án cổng chào và điểm dừng chân tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, vốn ngân sách của tỉnh khoảng 10 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, vốn xã hội hóa là 188 tỷ đồng cho công trình cổng chào và các công trình phụ trợ khác. Vốn tự có và huy động khác của Công ty cổ phần tập đoàn Hoàng Hà - Chủ đầu tư, là 170 tỷ đồng. Các khoản đầu tư được thực hiện theo hình thức PPP (hợp tác công tư).


Theo thiết kế, cổng chào gồm 8 trụ chính có độ cao từ 38-43m, trọng lượng mỗi trụ lên đến 105 tấn, chiều rộng chân trụ từ 50-60m, trải dài 80m trên quốc lộ 18A, tạo hình những dãy núi trùng điệp như núi đá trên vịnh Hạ Long.


Xen kẽ các trụ chính là 36 nan phụ có thiết kế không giống nhau, tạo dáng hình con rồng.


Đế trụ được gia cố chắc chắn bằng bê tông cốt thép, ghép với chân trụ bằng hệ thống bu lông dài 1,2m.


Cột chống sét lắp trên đỉnh cổng.


Công trình có khoảng trên nghìn tấn sắt thép đã được lắp dựng.


Để thi công công trình, nhà thầu huy động nhiều xe cẩu có trọng tải từ 100 đến 450 tấn…


Nhóm công nhân bên trong các thùng của cần cẩu làm việc ở độ cao hàng chục mét.


Phối cảnh công trình khi hoàn thành.
Cổng chào tỉnh Quảng Ninh và cụm công trình điểm dừng chân được xây dựng tại cửa ngõ của tỉnh này nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh.

Bí thư Hà Nội: Bộ Công an vào cuộc vụ cá chết hồ Tây

Ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, yêu cầu các cơ quan chức năng trên địa bàn không để vụ việc cá chết ở hồ Tây tái diễn và cho biết Bộ Công an đã vào cuộc để làm rõ nguyên nhân.
Hà Nội đã gom 200 tấn cá chết ở hồ Tây

Phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 6, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay, thành phố đang điều tra tìm nguyên nhân làm cá chết ở hồ Tây.

“Ngay lúc xảy ra cá chết, Chủ tịch thành phố đã chỉ đạo cảnh sát môi trường, Sở Tài Nguyên phối hợp điều tra. Đến nay Bộ Công an cũng vào cuộc cùng điều tra với chúng ta”, ông Hải nói.

bi-thu-ha-noi-bo-cong-an-vao-cuoc-vu-ca-chet-ho-tay
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho hay các cơ quan chức năng đang khẩn trương tìm nguyên nhân cá chết ở hồ Tây. Ảnh: Võ Hải.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cho biết, hồ Tây được đầu tư hệ thống gom nước thải từ nhiều năm nay, nếu còn hiện trạng các hộ sản xuất, kinh doanh xả nước thải ra hồ thì quận Tây Hồ và thành phố phải rà soát, kiên quyết đầu tư các dự án để thu gom, xử lý. Bên cạnh đó, cần đầu tư hệ thống quan trắc nước, tiếp tục rà soát tất cả nguồn nước thải.

“Hiện chưa biết nguyên nhân, nhưng để xảy ra như vậy, chúng ta quản lý chưa tốt, phải kiên quyết làm việc này, không để xảy ra một lần nữa”, Bí thư Hà Nội nhấn mạnh.

Lãnh đạo Thành ủy cho biết thành phố đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để đảm bảo môi trường ở Thủ đô, như: tiếp tục cải tạo nước ở 17 hồ; đầu tư trạm xử lý nước thải ở thượng lưu sông Tô Lịch...

“Phải nâng tỷ lệ xử lý nước thải của thành phố từ 22% lên 40-50% trong thời gian tới, trong tuần này khởi công dự án xử lý nước thải Yên Xá”, ông Hải thông tin.

Bí thư Hà Nội cũng yêu cầu đơn vị liên quan tập trung đầu tư các dự án chống ngập của đô thị, như dự án thoát nước giai đoạn 2, trạm bơm Yên Nghĩa.

bi-thu-ha-noi-bo-cong-an-vao-cuoc-vu-ca-chet-ho-tay-1
Bí thư Hà Nội yêu cầu nếu có tình trạng xả nước thải ra hồ Tây thì phải kiên quyết xử lý. Ảnh: Giang Huy.
Về ô nhiễm không khí của thành phố, ông Hoàng Trung Hải cho hay ô nhiễm bụi và ô nhiễm benzen lớn nhất (chiếm 70%), trong khi đó công nghiệp và xây dựng chỉ chiếm 30%. Do vậy, ngoài việc triển khai hút bụi, vệ sinh môi trường, thành phố phải thực hiện hạn chế phương tiện giao thông cá nhân.

“Hà Nội không nằm ở ven biển mà đợi một cơn gió thổi hết mọi thứ ra khơi để có không khí sạch. Thành phố ở trong nội địa do vậy bắt buộc phải xử lý môi trường tại chỗ tốt”, Bí thư Hà Nội nói.

Hiện tượng cá chết hàng loạt tại Hồ Tây bắt đầu từ ngày 1/10. UBND thành phố Hà Nội đã lập Ban chỉ huy xử lý sự cố và triển khai 7 biện pháp cấp bách.

Thống kê ban đầu, cá chết trên diện tích hơn 500 ha, tại 24 cửa xả xuống Hồ Tây. Đến nay khoảng 200 tấn cá chết đã được thu gom, xử lý. Ngày 3/10, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội tập trung xử lý vụ việc, nhất là xử lý ô nhiễm, phòng ngừa dịch bệnh có thể xảy ra, nghiêm cấm sử dụng cá chết làm thực phẩm, đồng thời khẩn trương làm rõ nguyên nhân, sớm thông tin cho nhân dân.